Sáng 23/4, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Tài chính và Công ty TNHH Dassult Systemes Việt Nam tổ chức diễn đàn với chủ đề: Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Tham dự diễn đàn có đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành. Diễn đàn cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư, Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga và các đại biểu tham dự diễn đàn.
Khẳng định diễn đàn là dịp quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp cùng chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng kinh tế số gắn với chuỗi cung ứng công nghệ cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp thiết thực, các giải pháp cụ thể, các đề xuất hợp tác chiến lược để giúp địa phương định hình được mô hình kinh tế số phù hợp với điều kiện địa phương, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển hạ tầng công nghệ và logistics; sẵn sàng kết nối, hợp tác sâu rộng với các địa phương, tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ uy tín trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn.
Các tham luận tại diễn đàn và phiên tọa đàm với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế số bền vững” với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo đã tập trung phân tích, làm rõ các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu dùng thông minh; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái kinh tế số; các điều kiện để các startup công nghệ tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ từ địa phương và quốc tế; việc kết nối giữa doanh nghiệp công nghệ và chính quyền địa phương nhằm cùng phát triển mô hình kinh tế số phù hợp với đặc thù của tỉnh, đồng thời gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm để Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; chuẩn bị nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng công nghệ, kỹ thuật số; thiết kế chính sách đặc thù cấp tỉnh để hỗ trợ đổi mới sáng tạo; triển khai các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga và các đại biểu chứng kiến các đơn vị ký kết hợp tác tại diễn đàn.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông chứng kiến lễ ký kết biên bản hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Công nghệ chế tạo Kami với Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Dịch vụ và Môi trường Trọng Hiếu; Công ty Cổ phần CNCTech; Công ty Cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc; Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc. Những hoạt động thiết thực tại diễn đàn góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; qua đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, quản trị chuỗi giá trị cung ứng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Vĩnh Phúc.
Ngọc Anh